Sơ yếu lý lịch là một bảng kê thông tin và thành tích cá nhân của bạn. Nếu biết tận dụng, đây sẽ là nơi thể hiện được đẳng cấp của bạn tại nơi làm việc. Hôm nay tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách viết sơ yếu lý lịch qua bài Tổng hợp những mẫu sơ yếu lý lịch hay và đầy đủ nhất dưới đây sẽ giúp bạn. Chỉ cần tải các mẫu này về và ghi chép theo sự hướng dẫn cụ thể phía dưới, bạn sẽ có một bản lý lịch tuyệt đẹp.
Sơ yếu lý lịch là gì?
Sơ yếu lý lịch là một tài liệu cơ bản, trong một bộ hồ sơ xin việc. Đây là tài liệu tóm tắt thông tin cá nhân bắt buộc phải có trong hồ sơ xin việc hoặc học tập. Khác với CV xin việc – Curriculum Vitae, là tài liệu thường dùng khi ứng tuyển công ty nước ngoài, hoặc những công ty tư nhân có yêu cầu. Nói cách khác, sơ yếu lý lịch là tóm tắt thông tin kiểu truyền thống. Còn CV là bản tổng hợp năng lực cá nhân, là sơ yếu lý lịch kiểu mới.
Mẫu CV có thể được viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Nội dung chủ yếu của nó là thể hiện những năng lực nổi trội của bạn. Ví dụ như: trình độ học vấn, kinh nghiệm, năng lực… Khác hoàn toàn với những thông tin trong sơ yếu lý lịch.
Những thông tin trong sơ yếu lý lịch chuẩn là thông tin về lý lịch cá nhân, quá trình học tập, công tác và hoàn cảnh gia đình của bạn. Đây là loại tài liệu đặc biệt, bắt buộc bạn phải khai báo thông tin đúng sự thật. Nó như là bản cam kết nhân thân, có sự chứng thực của cơ quan có thẩm quyền, là căn cứ để bạn tạo niềm tin bước đầu nơi nhà tuyển dụng.
Sơ yếu lý lịch tự thuật
Sơ yếu lý lịch tự thuật nghĩa là tự bạn thuật lại (khai báo) những thông tin trong tài liệu này theo đúng sự thật. Tùy theo mục đích sử dụng mà chúng ta có nhiều loại sơ yếu lý lịch tự thuật khác nhau. Có thể kể đến: Sơ yếu lý lịch xin việc, sơ yếu lý lịch học sinh, sơ yếu lý lịch sinh viên, sơ yếu lý lịch viên chức ….
Những thông tin bạn kê khai trong tài liệu này có thể kể đến: Thông tin cá nhân, thành phần gia đình, quá trình công tác, kỷ luật khen thưởng… Tất cả các thông tin đều phải đảm bảo tính minh bạch và được chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền. Bạn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu khai báo sai sự thật. Chính vì vậy, hãy thật cẩn thận, chuẩn bị các giấy tờ đầy đủ để khai báo chính xác. Đồng thời, rà soát thật kỹ nhiều lần sau khi viết xong để tránh sai sót.
tải mẫu sơ yếu lý lịch tự thuật
các bạn có thể tải mẫu sơ yếu lý lịch tự thuật chuẩn nhất tại đường link: Tải File Docs tại đây.
Cách viết sơ yếu lý lịch tự thuật
Sơ yếu lý lịch tự thuật có vai trò rất quan trọng trong bộ hồ sơ xin việc của bạn. Ngoài đơn xin việc, CV xin việc thì thành bại của lần ứng tuyển sắp tới phụ thuộc rất nhiều vào bản sơ yếu lý lịch cá nhân này. Hãy đặt một nền móng thật vững chắc cho bộ hồ sơ của bạn bằng những hướng dẫn dưới đây:
Họ và tên: HỌ ĐỆM TÊN viết in hoa có dấu như.
Nam, nữ: giới tính là nam thì ghi chữ “nam”, là nữ thì ghi chữ “nữ”.
Sinh năm: đối chiếu với giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu để ghi đúng ngày tháng năm sinh.
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hiện nay: ghi rõ thôn (số nhà, đường phố), xã (phường), huyện (quận), tỉnh (thành phố).
Nơi ở hiện tại: Ghi giống như mục ở trên nếu trùng nhau. Nếu nơi ở hiện tại khác địa chỉ thường trú thì cũng ghi đầy đủ thông tin nơi ở của bạn như hướng dẫn ở trên.
Chứng minh nhân dân số, cấp tại, ngày cấp: đối chiếu theo chứng minh nhân dân đang còn giá trị hiện hành để ghi thật chính xác.
Khi cần báo tin cho ai, ở đâu: Nếu là sơ yếu lý lịch xin việc, tốt nhất hãy ghi thông tin của bạn.
Bí danh: Ghi các bí danh đã dùng nếu có. Nếu không có thì bỏ trống.
Nguyên quán: ghi theo đúng như giấy khai sinh là tốt nhất.
Dân tộc: Ghi tên dân tộc theo như giấy khai sinh. Nếu bạn là con lai người nước ngoài thì ghi rõ quốc tịch, dân tộc của bố, mẹ là người nước ngoài.
Tôn giáo: ghi rõ tên tôn giáo như đạo Phật, đạo Thiên chúa, đạo Hồi, đạo Cao Đài, đạo Hoà Hảo… nếu bạn theo tôn giáo đó. Đồng thời, bạn phải ghi cả chức sắc trong tôn giáo (nếu có). Nếu không theo tôn giáo nào thì ghi “Không “.
Thành phần gia đình sau cải cách ruộng đất (hoặc cải tạo công thương nghiệp): tùy vào hoàn cảnh gia đình, bạn chọn trong các trường hợp sau: cố nông, bần nông, trung nông, phú nông, địa chủ, công chức, viên chức, dân nghèo, tiểu thương, tiểu chủ, tiểu tư sản, tư sản…
Thành phần bản thân hiện nay: Chọn 1 trong các trường hợp như: công nhân, nông dân, công chức, viên chức, nhân viên, thợ thủ công, bộ đội, nhà văn, nhà báo, chủ doanh nghiệp… Nếu là học sinh, sinh viên cũng ghi rõ, hoặc nếu đang thất nghiệp thì ghi chưa có việc làm.
Trình độ văn hóa: Bạn học đến lớp mấy hãy ghi cụ thể. Ví dụ: 12/12 chính quy; 12/12 bổ túc văn hoá, 9/12…
Trình độ ngoại ngữ: căn cứ vào văn bằng hoặc chứng chỉ đã được cấp: Đại học Anh ngữ, Pháp ngữ, Nga ngữ…(nếu tốt nghiệp đại học ngoại ngữ). Hoặc nếu là học văn bằng ngoài thì ghi: Anh, Pháp, Nga…trình độ A, B, C, D.
Ngày và nơi kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam: ghi rõ ngày, tháng, năm và chi bộ – nơi kết nạp vào Đảng, theo như lý lịch đảng.
Ngày và nơi kết nạp vào Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: viết rõ ngày, tháng, năm và nơi kết nạp theo sổ Đoàn.
Nghề nghiệp hoặc trình độ chuyên môn: Ghi theo những văn bằng chuyên môn đã được cấp.
Cấp bậc: Ghi theo bậc hưởng lương.
Lương chính hiện nay: theo ngạch chuyên viên, kỹ thuật viên, kỹ sư,…(nếu có)
Ngày nhập ngũ QĐNDVN (TNXP), ngày xuất ngũ, lý do: Ghi cụ thể theo yêu cầu.
Hoàn cảnh gia đình: Khai những thông tin như yêu cầu một cách chính xác thông tin của bố mẹ (hoặc người nuôi dưỡng), anh chị em ruột, vợ/chồng.
Quá trình hoạt động của bản thân: Ghi sơ lược những mốc thời gian cố định từ khi sinh ra đến giờ. Ghi rõ lúc từ bao giờ đến bao giờ, làm gì, ở đâu.
Khen thưởng: thời gian và hình thức khen thưởng.
Kỷ luật: Ghi rõ tháng năm, lý do sai phạm, hình thức kỷ luật.
Mẫu sơ yếu lý lịch
Sơ yếu lý lịch mẫu mới nhất gồm các phần chính sau:
– Thông tin cá nhân: họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ cư trú và các thông tin liên lạc cần thiết; Các thông tin liên quan về học vấn, trình độ, nghề nghiệp, sức khỏe…
– Hoàn cảnh gia đình: ghi các thông tin về bố mẹ, anh chị em ruột, vợ/chồng.
– Quá trình hoạt động của bản thân: Là bảng chi tiết về lịch sử công việc của bạn, có ngày tháng làm việc, chức vụ rõ ràng.
– Khen thưởng và kỷ luật: liệt kê các thành tích học tập, lao động và các kỷ luật (nếu có) của bạn.
Nhắc bạn cần chuẩn bị những giấy tờ cần thiết để trích thông tin như: chứng minh nhân dân của bạn, bố, mẹ, vợ/chồng; Sổ hộ khẩu gia đình; Sổ đoàn, lý lịch Đảng viên; các văn bằng và chứng chỉ của bạn.
mẫu sơ yếu lý lịch xin việc:
tải mẫu sơ yếu lý lịch xin việc tại đây: Tải về File Docs
sơ yếu lý lịch mẫu 2c
tải sơ yếu lý lịch mẫu c2 tại đây: Tải về File Docs
mẫu sơ yếu lý lịch ngắn gọn
Bạn có thể tải sơ yếu lý lịch bản chuẩn nhất hiện nay tại đây: Tải về File Docs
Sơ yếu lý lịch viết tay
Đa số các mẫu sơ yếu lý lịch viết tay đều có mẫu in sẵn trong bộ hồ sơ xin việc, bạn chỉ cần mua về hoặc tải bản mềm, in ra và điền đầy đủ thông tin cá nhân vào là xong. Tuy các mục đã có sẵn nhưng không phải lý lịch của ai cũng giống ai. Vậy nên, một bản tổng hợp thông tin cá nhân tốt sẽ nâng tầm bạn lên không ít đâu. Bởi toàn bộ thông tin chi tiết nhất, cũng như những thành tích của bạn sẽ được “khoe” tại đây.
Số mục bạn phải điền tương đối nhiều nên tốt nhất, bạn hãy chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ và vật dụng cần thiết trước khi viết loại giấy tờ cần thiết, hoặc chụp ảnh lại cho tiện. Đến mục nào, lấy từng giấy tờ ra ghi đúng thông tin vào là xong.
Các giấy tờ chuẩn bị trước: sổ hộ khẩu gia đình, chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (của bạn và của bố mẹ đẻ, chồng/vợ, giấy khai sinh của con đẻ nếu có), tất cả các loại chứng chỉ, thẻ hoặc sổ đoàn viên, lý lịch Đảng.
Bạn có thể tham khảo bản sơ yếu lý lịch viết tay hay nhất dưới đây để nắm rõ hơn các mục cần điền nhé:
Sơ yếu lý lịch học sinh
Sơ yếu lý lịch học sinh cấp 2 là bản tóm lược thông tin cần có trong hồ sơ học sinh Trung Học Cơ Sở. Các phụ huynh cần điền đầy đủ thông tin và nộp kèm hồ sơ khi các em nhập học. Các điền các mục cụ thể như sau:
- Họ và tên học sinh: Viết đầy đủ HỌ ĐỆM TÊN in hoa có dấu. Ví dụ: NGUYỄN NGỌC ANH.
- Nam/nữ: Giới tính nam thì ghi “Nam”, giới tính nữ thì ghi “Nữ”.
- Dân tộc: Ghi đúng theo dân tộc của học sinh như trong giấy khai sinh.
- Tôn giáo: Ghi tên tôn giáo (nếu có), hoặc nếu không theo tôn giáo nào thì ghi “Không”.
- Số điện thoại: Ghi số điện thoại của học sinh và/hoặc phụ huynh.
- Ngày, tháng, năm sinh: Ghi theo như giấy khai sinh.
- Nơi sinh: Điền đúng nơi sinh như trong giấy khai sinh.
- Sở thích:. Bố mẹ hãy ghi cụ thể sở thích của con ở đây.
- Năng khiếu: Đây sẽ là căn cứ cho các hoạt động ngoại khóa của con ở trường
- Hộ khẩu thường trú: Ghi rõ theo địa chỉ thường trú trên sổ hộ khẩu.
- Chỗ ở hiện tại: Ghi đầy đủ như ở mục (10) nếu như chỗ ở trùng với địa chỉ thường trú. Hoặc ghi địa chỉ nơi ở hiện tại nếu bạn thay đổi chỗ ở.
- Họ và tên cha: Họ tên cha của học sinh, không cần viết in hoa.
- Năm sinh: Ngày tháng năm sinh của cha theo CMND.
- Nghề nghiệp: Ghi ngành nghề hiện tại của bố.
- Số ĐTDĐ: Số điện thoại liên lạc của bố.
- Họ và tên mẹ: Họ và tên mẹ theo CMND.
- Sinh năm: Ghi rõ năm sinh của mẹ như trong CMND.
- Nghề nghiệp: Ghi ngành nghề mẹ đang làm.
- Số ĐTDĐ: Số điện thoại liên lạc của mẹ.
- Hoàn cảnh gia đình: Tùy hoàn cảnh gia đình để ghi như: gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo…
- Có anh, chị, em học chung trường hay không?: có thì ghi là “Có”, không thì ghi “Không”.
- Tên gì: Họ tên của anh chị em học cùng trường. Nếu không có thì để trống.
- Lớp mấy: Ghi lớp anh/chị/em đang học (nếu có), nếu không thì bỏ trống.
- …, ngày … tháng … năm …: Địa điểm và ngày tháng ghi sơ yếu lý lịch này.
Cuối cùng, phụ huynh và học sinh ký lần lượt vào vị trí dành cho mình.
Tham khảo mẫu sơ yếu lý lịch cho học sinh dưới đây:
Nếu không được nhà trường chuẩn bị, phụ huynh có thể mua sơ yếu lý lịch học sinh tại các nhà sách hoặc Tải file Docs tại đây: Tải Sơ Yếu Lý Lịch Học Sinh
Sơ yếu lý lịch sinh viên
Sơ yếu lý lịch sinh viên là tài liệu tóm tắt thông tin và quá trình học tập từ THPT trở về trước. Đây là tài liệu bắt buộc trong hồ sơ trúng tuyển theo mẫu quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sinh viên cần hoàn thành và nộp hồ sơ cho nhà trường. Tùy yêu cầu, có thể trong ngày nhập học hoặc nộp sau khi khai giảng.
Một bộ sơ yếu lý lịch sinh viên mẫu bao gồm các mục sau:
TRANG 1: Lý lịch học sinh sinh viên
– “HỌ VÀ TÊN”: Thí sinh viết in hoa có dấu. Ví dụ: HÀ ANH TUẤN
– “Ngày tháng năm sinh”: Viết dạng mm/dd/yyyy hoặc mm-dd-yyyy.
– “Hộ khẩu thường trú”: Ghi địa chỉ thường trú theo sổ hộ khẩu.
– “Khi cần báo tin cho ai? ở đâu?”: Tên, địa chỉ, số điện thoại của bố mẹ hoặc người thân.
– “Điện thoại liên hệ”: Ghi số điện thoại liên lạc của sinh viên, nếu không có thì ghi số điện thoại bố hoặc mẹ.
TRANG 2: Phần bản thân học sinh, sinh viên
– Ở góc ghi ảnh 4×6: bạn dán 1 ảnh 4×6, chụp không quá 6 tháng của mình lên đây.
– Họ và tên: Ghi HỌ ĐỆM TÊN in hoa có dấu
– Ngày tháng và năm sinh: điền 2 số ngày, 2 số tháng, 4 số năm tương ứng vào 8 ô.
– Dân tộc: Ghi tên dân tộc như trong giấy khai sinh
– Nơi sinh: ghi đúng trên giấy khai sinh.
– Tôn giáo: Ghi tên tôn giáo nếu có, nếu không có thì ghi “Không”.
– Đối tượng dự thi: Ghi đối tượng ưu tiên như trong giấy báo dự thi, nếu không thuộc đối tượng ưu tiên thì để trống.
– Ký hiệu trường: Mã của trường Đại học bạn sắp nhập học. Xem trong giấy báo trúng tuyển hoặc website nhà trường.
– Số báo danh: Ghi số báo danh của bạn trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua. Nếu không phải thi mà được tuyển thẳng thì để trống.
– Kết quả học lớp cuối cấp ở THPT, THBT, THN, TCCN: Ghi kết quả học tập và xếp loại hạnh kiểm của lớp 12.
– Ngày vào Đoàn TNCSHCM: Xem trên sổ đoàn và ghi chính xác ngày, tháng, năm.
– Ngày vào Đảng CSVN: Xem trên thẻ Đảng viên/quyết định kết nạp Đảng. Chưa vào Đảng thì để trống.
– Khen thưởng, kỷ luật: Ghi các giấy khen thưởng hoặc kỷ luật đã có. Bỏ trống nếu không có.
– Hộ khẩu thường trú: Ghi chính xác theo sổ hộ khẩu.
– Diện chính sách: Ghi rõ hộ nghèo, cận nghèo… Nếu không thuộc diện nào thì bỏ trống.
– Khu vực ưu tiên: Ghi như trong giấy báo dự thi.
– Đối tượng ưu tiên: Ghi như trong giấy báo dự thi.
– Ngành học: Ghi rõ tên ngành bạn đỗ, như trong giấy báo trúng tuyển.
– Điểm thi tuyển sinh:Tổng điểm 3 môn xét tuyển (cộng cả điểm thưởng nếu có, không tính điểm ưu tiên) và điểm thi của từng môn.
– Điểm thưởng: Ghi điểm thưởng của các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Nếu không có thì để trống.
– Lý do để được tuyển thẳng và được thưởng điểm: Có thì ghi rõ lý do, không thì bỏ trống.
– Số chứng minh thư nhân dân: Ghi đúng số chứng minh thư của mình
– Tóm tắt quá trình học tập, công tác và lao động: Ghi rõ học Tiểu học, THCS, THPT từ tháng năm nào đến tháng năm nào.
TRANG 3 + 4: Thành phần gia đình
- Cha: Họ đệm tên của cha, quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, hộ khẩu thường trú, thông tin liên lạc của bố.
– Hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội: Ghi thời gian, nơi làm việc, chức vụ của bố.
- Mẹ: Họ và tên mẹ, quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, hộ khẩu thường trú, thông tin liên lạc của mẹ.
– Hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội: Ghi mốc thời gian, nơi làm việc, chức vụ của mẹ.
- Vợ hoặc chồng: Ghi đầy đủ các thông tin trong sơ yếu lý lịch nếu đã lập gia đình. Nếu chưa thì bỏ qua.
- Họ và tên anh chị em ruột: Ghi rõ họ và tên anh trai, chị gái, em trai, em gái (nếu có), địa chỉ nơi ở và công việc hiện tại của họ.
TRANG 4: Xác nhận
– Cam đoan của gia đình về lời khai của học sinh, sinh viên: bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ ký tên.
– “Học sinh, sinh viên ký tên”: Ghi ngày, tháng, năm viết sơ yếu lý lịch và ký, ghi rõ họ tên.
– “Xác nhận thông tin của chính quyền xã, phường nơi học sinh, sinh viên cư trú”: Phần dành cho cơ quan công chứng. Sau khi điền đầy đủ các thông tin cần thiết, bạn mang đến cơ quan thẩm quyền để công chứng sơ yếu lý lịch .
Sơ yếu lý lịch sinh viên thường sẽ được phát trong ngày nhập học hoặc trong giấy báo trúng tuyển. Sẽ có logo và tên từng trường trên đó nên chúng tôi sẽ không đưa file chung lên đây. Các bạn sinh viên hãy tự điền đầy đủ thông tin như những hướng dẫn trên. Nhớ hãy kiểm tra lại thật cẩn thận nhé.
Sơ yếu lý lịch xin việc
Một bộ hồ sơ xin việc không thể thiếu sơ yếu lý lịch xin việc. Bạn muốn khoe thành tích và những kinh nghiệm siêu khủng trong công việc từ trước giờ của mình? Chỉ có tài liệu này mới giúp được bạn.
Một số lưu ý khi viết:
Về thông tin cá nhân: Ảnh 4×6 để dán vào trang đầu, họ tên, ngày tháng năm sinh, nguyên quán, số chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân, địa chỉ thường trú, tạm trú,.
Về trình độ: Trình độ học vấn (hay trình độ văn hóa), ngày vào Đoàn, ngày vào Đảng, nghề nghiệp hoặc trình độ chuyên môn.
Về quan hệ gia đình: Thông tin cá nhân và lý lịch hoạt động của bố mẹ đẻ, các thông tin cá nhân cơ bản của anh chị em ruột, vợ/chồng, con cái.
Sơ lược quá trình học tập, công tác: thời gian hoạt động (từ ngày tháng năm nào đến ngày tháng năm nào), tên đơn vị, ngành nghề, chức vụ, văn bằng liên quan…
Sau khi hoàn thành xong, bạn cần phải chứng thực sơ yếu lý lịch, đây là yêu cầu bắt buộc với loại tài liệu này. Vậy, Sơ yếu lý lịch xin việc công chứng ở đâu? Hãy kéo xuống mục phía dưới để có câu trả lời.
Tải mẫu Sơ yếu lý lịch xin việc tại đây: Tải File Docs
Công chứng sơ yếu lý lịch ở đâu
Những thông tin mà bạn đưa ra phải được công chứng mới có tác dụng. Bởi những thông tin bạn khai báo trong đó cần phải được đối chiếu và chứng thực với các giấy tờ cá nhân liên quan. Ví dụ như CMND, các loại bằng cấp, chứng chỉ… Thế nhưng bạn chưa biết phải công chứng ở đâu? Hãy để chúng tôi trả lời giúp bạn.
Công chứng sơ yếu lý lịch ở đâu?
Các cơ quan có thẩm quyền chứng thực sơ yếu lý lịch theo đúng luật bao gồm:
– Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú của bạn;
– Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng;
– Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Công chứng sơ yếu lý lịch cần giấy tờ gì?
Theo khoản 1 Điều 24 Nghị định 23/2015, ngoài bản sơ yếu lý lịch tự thuật đã điền thông tin đầy đủ, bạn cần mang theo các giấy tờ sau khi đi công chứng: Bản chính hoặc bản sao có công chứng giấy CMND hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;
Lưu ý, hãy đến chứng thực vào buổi sáng để có kết quả trong ngày. Phí chứng thực cho loại giấy tờ này chỉ khoảng 10.000 đồng/ bản
Sơ yếu lý lịch công chứng dùng được trong bao lâu?
Có thể một số cơ quan yêu cầu thời hạn công chứng không quá 03 tháng hoặc 06 tháng. Ngoài ra, hầu hết các cơ quan đều không yêu cầu thời hạn sử dụng. Bởi vì những thông tin trong đó gần như cố định và không thay đổi. Vì vậy, bạn hãy yên tâm vì chỉ cần công chứng 1 lần là sẽ được dùng mãi.
xem thêm bài mẫu đơn xin nghỉ việc