Nhằm tìm kiếm nguồn nhân lực có chất lượng, phù hợp với yêu cầu về công việc đưa ra, các nhà tuyển dụng đã đưa ra nhiều phương pháp khác nhau để có lựa chọn hiệu quả những ứng viên mình mong muốn. Một trong những biện pháp đó là thử việc. Thử việc là thời gian mà cả người lao động và doanh nghiệp đều tìm được câu trả lời cho mình. Doanh nghiệp sẽ biết đây có phải là lao động mình cần không, còn người lao động sẽ biết đây có phải môi trường công việc mình mong muốn hay không? Trước khi thử việc bạn sẽ phải ký hợp đồng thử việc. Hôm nay tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách viết hợp đồng thử việc và tải các mẫu hợp đồng thử việc
Hợp đồng thử việc là gì?
Thử việc là bước đệm trước khi tiến hành ký kết hợp đồng lao động chính thức, Trước khi thử việc, người sử dụng lao động và người lao động sẽ cùng nhau thỏa thuận đi đến ký kết hợp đồng thử việc. Vậy hợp đồng lao động thử việc là gì?
Hợp đồng thử việc được hiểu là một văn bản nhằm mục đích tạo sự ràng buộc giữa người sử dụng lao động và người lao động trước khi bắt đầu một công việc mới. Cả hai bên phải đảm bảo thực hiện theo đúng những thỏa thuận trong hợp đồng.
Hợp đồng thử việc là giao kèo trên nguyên tắc tự nguyện của hai bên về việc làm thử của người lao động trong một khoảng thời gian nhất định, cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc.
Quy định về hợp đồng thử việc
Người lao động và người sử dụng lao động được quyền thỏa thuận với nhau về việc làm thử. Nội dung trong hợp đồng thử việc và sự thay đổi các nội dung đó đều dựa trên sự thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động song tinh thần chung đều dựa trên cơ sở của Bộ luật Lao động.
Trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không cần ký hợp đồng thử việc.
Những quy định trong hợp đồng thử việc phải bao gồm các nội dung sau:
– Thể hiện rõ các thông tin của người sử dụng lao động và người lao động: họ tên, giới tính, năm sinh, số chứng minh nhân dân/ thẻ căn cước, địa chỉ . . .
– Chỉ rõ tên công việc, địa điểm làm việc, thời hạn thử việc.
– Ghi cụ thể số tiền, thời gian trả, hình thức trả chế độ lương, thưởng, phụ cấp.
– Chế độ nâng lương, nâng bậc
– Vạch rõ mốc thời gian làm việc theo ngày, theo ca, thời gian nghỉ
– Liệt kê những trang bị bảo hộ người lao động được cấp phát
Khi thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng thử việc, cả hai bên cùng chú ý những quy định cụ thể sau:
Thời hạn hợp đồng thử việc:
Với 1 công việc chỉ được ký duy nhất 1 bản hợp đồng thử việc:
– Các công việc mà cần người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên thì thời hạn tối đa hợp đồng không được quá 60 ngày.
– Các công việc mà cần người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ thì thời hạn tối đa hợp đồng không được quá 30 ngày.
– Các công việc khác không quá 6 ngày.
Kết thúc thời gian thử việc:
– Trước khi kết thúc thời gian thử việc 3 ngày đối với nhân viên nghiệp vụ, công nhân kỹ thuật, công việc có chức danh nghề từ trung cấp trở lên và ngay khi kết thúc thời gian thử việc với công việc khác, người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo kết quả thử việc đến người lao động.
– Nếu người lao động đạt yêu cầu và muốn tiếp tục làm việc thì hai bên cần ký kết hợp đồng lao động.
Mức lương thử việc tối thiểu: mức lương của người lao động trong thời gian thử việc bao nhiêu là do thỏa thuận của hai bên khi ký hợp đồng thử việc nhưng lưu ý không thấp hơn 85% mức lương của công việc đó.
Cách viết hợp đồng thử việc
Cũng như nhiều hợp đồng khác, các bạn có thể tham khảo các mẫu hợp đồng thử việc trên mạng. Trong phần này của bài viết mình chỉ xin lưu ý các bạn một vài lưu ý khi viết bản hợp đồng này:
* Phần đầu: nêu rõ căn cứ ký hợp đồng, ngày tháng, địa điểm ký kết.
* Phần nội dung chính:
– Cung cấp đầy đủ các thông tin các bên ký kết hợp đồng:
+ Thông tin người sử dụng lao động: tên doanh nghiệp; họ tên người đại diện, chức vụ, quốc tịch, địa chỉ, số điện thoại; mã số thuế, số tài khoản ngân hàng, tên ngân hàng.
+ Thông tin người lao động: Họ tên, năm sinh, giới tính; quê quán, nơi thường trú; số chứng minh nhân dân/thẻ căn cước, ngày cấp, nơi cấp; trình độ, chuyên ngành.
– Các điều khoản cụ thể:
+ Nêu rõ tên hợp đồng, thời hạn, thời điểm bắt đầu, kết thúc hợp đồng.
+ Nêu cụ thê địa điểm làm việc, vị trí công tác, nhiệm vụ công việc.
+ Thời gian làm việc, thời gian nghỉ trong ngày, tuần, tháng.
+ Trang thiết bị, công cụ làm việc được cung cấp.
+ Nêu rõ quyền và nghĩa vụ của người lao động: lương và các chế độ khác, thực hiện các cam kết . . .
+ Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động: kỷ luật người lao động, chấm dứt hợp đồng, thanh toán chế độ cho người lao động . . .
* Phần cuối: hai bên ký và ghi rõ họ tên vào hợp đồng, bên người sử dụng lao động là doanh nghiệp phải đóng dấu.
Chấm dứt hợp đồng thử việc
Theo quy định của luật lao động hiện hành, trong bất kỳ thời điểm nào trong thời gian thử viêc, cả hai bên người lao động và người sử dụng lao động đều có quyền đơn phương huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và cũng không phải chịu bất kỳ khoản bồi thường nào.
Hợp đồng thử việc được coi như giap kèo ngắn hạn giữa hai bên trong quá trình thử việc. Do đó, nếu một trong hai bên cảm thấy không phù hợp đều có thể thông báo chấm dứt hợp đồng với bên kia.
Hợp đồng thử việc chấm dứt không có nghĩa là hai bên lập tức không cần phải thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào với bên còn lại. Người lao động cóa quyền yêu cầu người sử dụng lao động thanh toán những ngày công lao động của mình đúng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng thử việc trước đó. Ngược lại, người sử dụng lao động có ngĩa vụ thanh toán đầy đủ lương và các khoản phúc lợi khác cho người lao động.
Phần cuối bài viết mình gửi các bạn tham khảo bản mẫu hợp đồng thử việc. Hi vọng bài viết sẽ giúp ích các bạn phần nào trong quá trình thử việc và soạn thảo hợp đồng thử việc!