Việc quản lý tài sản cố định đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý các doanh nghiệp, đơn vị. Do đó, thường xuyên phải tiến hành công tác kiểm kê tài sản cố định và khi kiểm kê tài sản cố định, các bộ phận liên quan phải lập thành biên bản. Vậy Biên bản kiểm kê tài sản cố định dùng để làm gì? Cách ghi biên bản này như thế nào. Dưới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những nội dung cơ bản liên quan đến mẫu biên bản kiểm kê tài sản cố định.
Biên bản kiểm kê tài sản cố định được dùng với mục đích gì?
Tài sản cố định là nguồn tài sản có ý nghĩa quan trọng không chỉ với các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất mà còn cả với các tổ chức, cơ quan, đơn vị, tập thể khác. Tài sản cố định là nguồn tài sản có giá trị lớn và sử dụng trong nhiều năm, nhiều chu kì sản xuất.
Biên bản kiểm kê TSCĐ được các doanh nghiệp, cơ quan lập ra nhằm mục đích xác nhận về số lượng và giá trị các tài sản cố định hiện có trong đơn vị mình, số thừa hay thiếu so với sổ kế toán. Trên cơ sở biên bản đã lập, quản lý các đơn vị tăng cường công tác quản lý, giám sát sử dụng các tài sản cố định. Biên bản này đồng thời là cơ sở quy trách nhiệm về tài sản cố định chênh lệch và ghi sổ kế toán số chênh lệch.
Mẫu Biên bản kiểm kê TSCĐ được sử dụng phổ biến trong các cơ quan, doanh nghiệp giúp các đơn vị xác nhận được chính xác số lượng, giá trị tài sản cố định hiện có của doanh nghiệp. Từ đó, điều chỉnh lại cơ chế quản lý doanh nghiệp đối với các tài sản cố định hiện có, giúp sử dụng các nguồn tài sản cố định hiệu quả hơn.
Biên bản kiểm kê TSCĐ là biểu mẫu do Bộ Tài chính ban hành kèm theo các thông tư khác nhau. Mỗi đơn vị, mỗi loại hình doanh nghiệp có thể sử dụng mẫu Biên bản kiểm kê TSCĐ khác nhau hoặc sử dụng theo quy định. Hiện nay có 3 mẫu Biên bản kiểm kê TSCĐ được sử dụng phổ biến là:
- Biên bản kiểm kê TSCĐ theo mẫu số 05-TSCĐ, được ban hành ngày 22/12/2014 theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC.
- Biên bản kiểm kê TSCĐ theo mẫu số 05-TSCĐ, được ban hành ngày 28/06/2016 theo Thông tư 133/2016/TT-BTC.
- Biên bản kiểm kê TSCĐ theo mẫu số C53-HD, được ban hành ngày 10/10/2017 theo Thông tư 107/2017/TT-BTC.
Cách ghi thông tin trong mẫu biên bản kiểm kê tài sản cố định
Trong nội dung phần này, chúng tôi hướng dẫn các bạn chi tiết cách ghi Biên bản kiểm kê TSCĐ theo mẫu C53-HD ban hành kèm theo Thông tư 107/2017/TT-BTC. Dựa trên phần hướng dẫn của chúng tôi, các bạn có thể hoàn thành Biên bản kiểm kê TSCĐ theo mẫu mà đơn vị mình sử dụng.
– Điền tên đơn vị quản lý tài sản cố định và mã QHNS được cấp hoặc có thể đóng dấu đơn vị lên vị trí góc trái phía trên biên bản.
– Phía dưới tên Biên bản kiểm kê tài sản cố định ghi rõ thời điểm kiểm kê là mấy giờ, ngày tháng năm nào.
– Thành phần Ban kiểm kê: Điền đầy đủ họ tên, chức vụ, đại diện cho phòng ban, bộ phận nào và giữ nhiệm vụ nào trong Ban kiểm kê, là Trưởng ban hay Ủy viên. Thông thường Ban kiểm kê sẽ có ít nhất 3 đồng chí đại diện cho các bộ phận liên quan.
– Ghi rõ kết quả kiểm kê trong bảng kết quả kiểm kê tài sản cố định:
+ Mục A: Ghi rõ số thứ tự từng tài sản cố định kiểm kê bắt đầu từ 1.
+ Mục B: Ghi rõ tên từng tài sản cố định được kiểm kê (máy móc, thiết bị thí nghiệm, nhà xưởng…).
+ Mục C: Ghi rõ mã số từng tài sản cố định được kiểm kê.
+ Mục D: Ghi rõ nơi sử dụng từng tài sản cố định thuộc phòng, ban, bộ phận nào.
+ Ghi rõ kết quả kiểm kê dựa trên ghi chép trong sổ kế toán:
- (1) Số lượng từng loại tài sản cố định kiểm kê là bao nhiêu.
- (2) Nguyên giá từng loại tài sản cố định kiểm kê là bao nhiêu tiền.
- (3) Giá trị còn lại của từng loại tài sản cố định kiểm kê là bao nhiêu tiền.
+ Ghi rõ kết quả kiểm kê dựa trên thực tế:
- (4) Số lượng từng loại tài sản cố định kiểm kê trên thực tế là bao nhiêu.
- (5) Nguyên giá từng loại tài sản cố định kiểm kê trên thực tế là bao nhiêu tiền.
- (6) Giá trị còn lại của từng loại tài sản cố định kiểm kê trên thực tế là bao nhiêu tiền.
+ Chênh lệch: Ghi rõ kết quả chênh lệch giữa sổ kế toán với thực tế về số lượng (7), nguyên giá (8), giá trị còn lại (9) của từng loại tài sản cố định.
Chênh lệch = Theo kiểm kê – Theo sổ kế toán
+ Mục E: các ghi chú cần thiết.
+ Dòng cộng: Tính tổng nguyên giá và giá trị còn lại của tất cả các tài sản cố định trong bảng theo sổ kế toán (mục 2, 3), theo kiểm kê (mục 5, 6) và chênh lệch (8, 9).
Nếu kết quả chênh lệch = 0 nghĩa là việc quản lý tài sản cố định của đơn vị rất tốt, ghi sổ khớp với thực tế. Nếu chệnh thừa (giá trị +) hoặc thiếu (giá trị -) thì đơn vị cần xác định rõ nguyên nhân và kiểm tra lại công tác kế toán, công tác quản lý doanh nghiệp.
– Nêu rõ ý kiến, đề xuất của Ban kiểm kê về việc giải quyết số chênh lệch.
Cuối biên bản có ý kiến nhận xét, chữ ký xác nhận, đóng dấu của các cá nhân liên quan:
+ Trưởng Ban kiểm kê ký và ghi rõ họ tên.
+ Kế toán trưởng ký và ghi rõ họ tên.
+ Thủ trưởng đơn vị ghi rõ ý kiến giải quyết số liệu chênh lệch, sau đó ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu lên biên bản.
Sơ lược về mẫu biên bản kiểm kê tài sản cố định trường học
– Ghi rõ các thông tin về thời gian, địa điểm tiến hành kiểm kê TSCĐ trường học (thư viện, phòng ăn, lớp học…).
– Thành phần Ban kiểm kê TSCĐ trường học (Hiệu trưởng, Trưởng ban Thanh tra nhân dân, thư ký Hội đồng, kế toán, đại diện bộ phận được kiểm tra).
– Nội dung kiểm kê: ghi rõ tên từng loại kiểm kê TSCĐ được kiểm kê như bàn ghế văn phòng, bàn máy tính, máy vi tính, quạt trần, bóng đèn; Đơn vị tính; Số lượng; Hiện trạng TSCĐ được kiểm kê (mới, hư hỏng); Ghi chú (nếu cần).
– Ghi rõ thời gian kết thúc kiểm kê TSCĐ. Các cá nhân, đại diện bộ phận tham gia kiểm kê ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu lên Biên bản kiểm kê TSCĐ trường học vừa lập.
Tải mẫu Biên bản kiểm kê tài sản cố định
Dưới đây, chúng tôi gửi các bạn tham khảo một vài mẫu Biên bản kiểm kê tài sản cố định mới nhất hiện nay.
Mẫu 1: Biên bản kiểm kê tài sản cố định theo Thông tư 133
[download id=”4029″]
Mẫu 2: Biên bản kiểm kê tài sản cố định theo Thông tư 200
[download id=”4030″]
Mẫu 3: Biên bản kiểm kê tài sản cố định theo Thông tư 107
[download id=”4028″]
Mẫu 4: Biên bản kiểm kê tài sản cố định file Excel
[download id=”4031″]