Đơn xin đổi cấp lại Giấy phép lái xe là mẫu đơn được sử dụng khi các cá nhân có nguyện vọng được cấp lại giấy phép lái xe thuộc trường hợp cho phép. Tuy nhiên, việc đổi hoặc cấp lại giấy phép lái xe phải theo những quy định, thủ tục của bộ GTVT. Sau đây, EVBN xin cung cấp một vài thông tin về thủ tục hồ sơ xin đổi cấp lại GPLX, mẫu đơn xin đổi cấp lại giấy phép lái xe và cách viết chi tiết.
[download id=”4811″]
Quy định về đổi, cấp lại giấy phép lái xe của bộ GTVT
Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, ngày 15 tháng 04 năm 2017 có quy định cụ thể về đổi, cấp lại Giấy phép lái xe như sau:
1. Chuẩn bị hồ sơ xin đổi, cấp lại Giấy phép lái xe
* Giấy phép còn thời hạn sử dụng hoặc quá hạn chưa đến 3 tháng
– Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép lái xe do người xin đổi, cấp lại viết;
– Hồ sơ lái xe (nếu có);
– 1 Giấy khám sức khỏe của người lái xe. Trường hợp cấp lại Giấy phép lái xe không thời hạn các hạng A1, A2, A3 thì không cần Giấy khám sức khỏe.
– Bản sao Chứng minh thư nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân;
– Bản sao giấy phép lái xe.
Sau thời gian 60 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ, ảnh và lệ phí theo quy định thì được cấp lại Giấy phép lái xe. Trường hợp phát hiện Giấy phép lái xe đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ; có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch thì sẽ không được đổi, cấp giấy phép lái xe.
* Giấy phép quá thời hạn sử dụng trên 3 tháng
Người có Giấy phép lái xe bị mất, Giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên, người có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch nhưng không thuộc trường hợp đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý thì sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định sẽ phải dự sát hạch lại các nội dung:
– Phải dự sát hạch lại lý thuyết nếu quá hạn sử dụng từ 3 tháng đến dưới 1 năm;
– Phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành nếu quá hạn sử dụng từ 1 năm trở lên.
Khi đó, người lái xe chuẩn bị hồ sơ dự sát hạch lại gồm:
– Bản sao Chứng minh thư nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân;
– Giấy khám sức khỏe;
– Đơn đề nghị đổi, cấp lại Giấy phép lái xe, trên đơn phải ghi ngày tiếp nhận hồ sơ của cơ quan tiếp nhận;
– Hồ sơ gốc của Giấy phép lái xe (nếu có).
Theo quy định, trong thời gian không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch, người lái xe sẽ được cấp Giấy phép lái xe.
2. Nộp hồ sơ Giấy phép lái xe
Người lái xe mang hồ sơ xin đổi, cấp lại Giấy phép lái xe đến bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải nơi có thẩm quyền cấp Giấy phép lái xe. Tại đây, người lái xe sẽ chụp ảnh trực tiếp và xuất trình bản chính các hồ sơ nêu trên để đối chiếu.
3. Nộp lệ phí đổi, cấp lại Giấy phép lái xe
– Trường hợp đổi, cấp lại Giấy phép lái xe, lệ phí là 135.000 đồng/lần.
– Trường hợp phải dự thi sát hạch lái xe:
+ Hạng xe A1, A2, A3, A4: Phí sát hạch lý thuyết: 40.000 đồng/lần; Phí sát hạch thực hành: 50.000 đồng/lần.
+ Hạng xe B1, B2, C, D, E, F: Phí sát hạch lý thuyết: 90.000 đồng/lần; Phí sát hạch thực hành trong hình: 300.000 đồng/lần; Phí sát hạch 60.000 đồng/lần trong trường hợp thực hành trên đường giao thông công cộng.
4. Nhận Giấy phép lái xe đổi, cấp lại
Theo thời gian trên giấy hẹn, người lái xe làm thủ tục đến bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải các tỉnh mà mình đã nộp hồ sơ để nhận Giấy phép lái xe được đổi, cấp lại.
Trường hợp nào người lái xe phải sử dụng mẫu đơn xin đổi, cấp lại Giấy phép lái xe?
Theo quy định trong Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, trong các trường hợp sau đây, người lái xe cần chuẩn bị mẫu Đơn xin cấp đổi giấy phép lái xe:
- Phải dự sát hạch lại trong trường hợp Giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng;
- Người dự sát hạch lại trong trường hợp Giấy phép lái xe bị mất;
- Xin xét cấp lại giấy phép lái xe trong trường hợp Giấy phép lái xe bị mất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng;
- Xin lập lại hồ sơ gốc trong trường hợp Giấy phép lái xe còn thời hạn sử dụng nhưng bị mất hồ sơ gốc và có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch;
- Xin đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp;
- Xin đổi giấy phép lái xe quân sự do Bộ Quốc phòng cấp;
- Xin đổi giấy phép lái xe do ngành Công an cấp;
- Xin đổi giấy phép lái xe hoặc bằng lái xe của nước ngoài.
Cách viết Đơn xin đổi, cấp lại Giấy phép lái xe chuẩn nhất
Đơn xin đổi, cấp lại Giấy phép lái xe là biểu mẫu sẵn có được ban hành kèm theo Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT, ngày 15 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Cách viết đơn chi tiết, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn dưới đây:
– Kính gửi: Ghi Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc tên Sở Giao thông vận tải nơi người lái xe được cấp bằng lái xe cũ.
– Người viết đơn ghi đầy đủ, chính xác các thông tin theo yêu cầu trong mẫu đơn: Họ và tên; Quốc tịch; Ngày sinh; Giới tính.
– Thông tin nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Người viết đơn ghi đúng theo sổ hộ khẩu;
– Thông tin nơi cư trú: Ghi rõ nơi ở hiện tại (Nơi thường trú hoặc nơi tạm trú).
– Ghi rõ số, ngày cấp, nơi cấp một trong các giấy tờ sau: giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu.
– Ghi rõ nơi học, năm học lái xe thực tế để thi tham dự kỳ thi sát hạch xin đổi, cấp lại Giấy phép lái xe.
– Ghi rõ thông tin Giấy phép lái xe hiện có: Hạng giấy phép lái xe, Số giấy phép lái xe, Nơi cấp, Ngày cấp. Các thông tin này đều được ghi rõ trên Giấy phép lái xe đã cấp, người viết chỉ cần đọc kỹ và ghi thông tin cho chính xác.
– Người viết đơn ghi yêu cầu muốn được đổi, cấp lại Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ hạng nào?
– Người viết đơn trình bày rõ lý do thực tế xin đổi, cấp lại Giấy phép lái xe như sắp hết hạn, bị quá hạn, bị mất, xin đổi qua bằng lái nước ngoài…
– Người viết đơn ghi rõ số lượng, tên từng giấy tờ đi kèm với Đơn xin đổi, cấp lại Giấy phép lái xe trong bộ hồ sơ.
Cuối cùng, người viết đơn cam đoan những nội dung trong đơn là đúng sự thật và sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu nội dung đã khai gian dối.
Dưới đây, chúng tôi gửi các bạn tham khảo mẫu Đơn xin đổi, cấp lại Giấy phép lái xe mới nhất hiện nay.
[download id=”4811″]