Mọi tài sản cố định trong doanh nghiệp không thể có giá trị bất biến theo thời gian mà sau một thời gian đưa vào sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ có sự hao mòn, khấu hao nhất định. Để tính toán sự khấu hao tài sản cố định, các đơn vị cần lập Bảng tính và phân bổ khấu hao TSCĐ để theo dõi cụ thể sự khấu hao nguồn tài sản đó theo thời gian. Trong nội dung bài viết dưới đây, chúng ta cùng tìm hiểu một vài nội dung liên quan đến Bảng tính và phân bổ khấu hao tài sản cố định và cách lập bảng tính này.
Thế nào là Bảng tính và phân bổ khấu hao tài sản cố định?
Khấu hao tài sản cố định được hiểu là việc tính toán và phân bổ một cách có hệ thống nguyên giá của tài sản cố định trong doanh nghiệp vào chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh trong thời gian quy định về trích khấu hao của tài sản cố định.
Dựa trên biểu mẫu tính và phân bổ khấu hao tài sản cố định, quản lý doanh nghiệp nắm được chi tiết tỉ lệ và số khấu hao từng loại tài sản cố định cũng như thống kê được số khấu hao tài sản cố định phân bổ cho từng hoạt động, từng đối tượng sử dụng tài sản cố định khác nhau trong đơn vị theo thời gian từng tháng.
Bảng tính và phân bổ khấu hao TSCĐ được xếp vào nhóm chứng từ kế toán TSCĐ ban hành kèm theo phụ lục các thông tư khác nhau của Bộ Tài chính:
- Bảng tính và phân bổ khấu hao TSCĐ theo mẫu số 06-TSCĐ, được ban hành ngày 14/92006 theo Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC.
- Bảng tính và phân bổ khấu hao TSCĐ theo mẫu số 06-TSCĐ, được ban hành ngày 22/12/2014 theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC.
- Bảng tính và phân bổ khấu hao TSCĐ theo mẫu số 06-TSCĐ, được ban hành ngày 28/06/2016 theo Thông tư 133/2016/TT-BTC.
Bảng tính và phân bổ khấu hao TSCĐ là chỉ chứng từ mang tính hướng dẫn chứ không bắt buộc các doanh nghiệp phải rập khuôn theo nguyên mẫu. Do đó, các loại hình doanh nghiệp khác nhau, các đơn vị kinh doanh khác nhau cần phải chủ động xây dựng biểu mẫu Bảng tính và phân bổ khấu hao TSCĐ phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh cũng như và yêu cầu quản lý của đơn vị mình.
Việc tính và phân bổ khấu hao tài sản cố định trong doanh nghiệp hoàn toàn không giống nhau giữa các loại tài sản cố định khác nhau vì mỗi loại tài sản cố định có thời gian trích khấu hao khác nhau. Thời gian cho phép trích khấu hao TSCĐ tối thiểu và tối đa của một số loại TSCĐ có thể kể đến như: máy phát động lực từ 8 – 15 năm, máy móc công cụ từ 7 – 15 năm, máy dùng cho nông, lâm nghiệp từ 6 – 15 năm, phương tiện vận tải đường bộ từ 6 – 10 năm, thiết bị đo lường từ 5 – 8 năm, nhà cửa kiên cố từ 20 -25 năm. Quy định cụ thể về khung thời gian trích khấu hao tài sản cố định được quy định cụ thể tại Phụ lục 01 của Thông tư số 45/2013/TT-BTC.
Cách ghi các thông tin trong Bảng tính và phân bổ khấu hao tài sản cố định
Các đơn vị, các loại hình doanh nghiệp khác nhau sử dụng Bảng tính và phân bổ khấu hao TSCĐ khác nhau, chúng tôi sẽ hướng dẫn cách ghi biểu mẫu này theo mẫu 06-TSCĐ ban hành kèm theo Thông tư 133/2016/TT-BTC, các bạn có thể dựa trên phần hướng dẫn này của chúng tôi để hoàn thành Bảng tính và phân bổ khấu hao TSCĐ của đơn vị mình.
* Phần đầu bảng tính
– Ghi rõ tên đơn vị, bộ phận sử dụng tài sản cố định hoặc đóng dấu đơn vị lên vị trí tương ứng.
– Bên dưới tên Bảng tính và phân bổ khấu hao TSCĐ ghi rõ tháng, năm lập bảng; số bảng tính.
* Phần nội dung chính trong Bảng tính và phân bổ khấu hao TSCĐ
Bảng tính và phân bổ khấu hao tài sản cố định bao gồm:
- Các cột dọc phản ánh số khấu hao tài sản cố định tính theo từng đối tượng sử dụng tài sản cố định (bộ phận, phòng, ban nào).
- Các hàng ngang phản ánh số khấu hao tính ở thời điểm tháng trước, số khấu hao tăng, giảm và số khấu hao tính trong tháng này là bao nhiêu.
Cụ thể ghi các cột, mục trong Bảng tính và phân bổ khấu hao tài sản cố định như sau:
– Cột A: Ghi số thứ tự của từng chỉ tiêu tính số khấu hao tài sản cố định.
– Cột B: Ghi tên từng chỉ tiêu tính số khấu hao tài sản cố định:
+ I. Số khấu hao trích tháng trước;
+ II. Số khấu hao tài sản cố định tăng trong tháng;
+ III. Số khấu hao tài sản cố định giảm trong tháng;
+ IV. Số khấu hao trích tháng này: Tính bằng tổng số khấu hao trích tháng trước cộng số khấu hao tài sản cố định tăng trong tháng, sau đó trừ đi số khấu hao tài sản cố định giảm trong tháng (IV = I + II – III).
– Cột 1: Ghi rõ tỉ lệ khấu hao tính theo % hoặc thời gian sử dụng tài sản cố định là bao nhiêu năm theo từng mục chỉ tiêu.
– Ghi rõ nơi sử dụng tài sản cố định tính chung trong toàn doanh nghiệp:
+ Cột 2: Ghi nguyên giá tài sản cố định trong toàn doanh nghiệp theo từng mục chỉ tiêu.
+ Cột 3: Ghi số khấu hao tài sản cố định trong cả doanh nghiệp theo từng mục chỉ tiêu. Số khấu hao tính bằng nguyên giá chia cho số tháng khấu hao giá tài sản cố định.
– Các cột 4, 5, 6, 7: Ghi TK 154 – Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang hoặc TK 631 – Giá thành sản xuất của tài sản cố định chia theo từng hoạt động sản xuất, ghi theo từng chỉ tiêu tương ứng ở cột B.
– Ghi rõ TK 642 vào cột 8: Chi phí quản lý kinh doanh theo từng chỉ tiêu trong cột B.
– Cột 9: Ghi rõ TK 241- Xây dựng cơ bản dở dang ứng với các chỉ tiêu trong cột B.
– Cột 10: Ghi rõ TK 242 – Chi phí trả trước ứng với từng chỉ tiêu trong cột B.
– Cột 11: Ghi rõ TK 355 – Chi phí phải trả ứng với các chỉ tiêu trong cột B.
* Phần cuối bảng tính
– Người lập bảng tính ký và ghi rõ họ tên sau khi lập bảng.
– Kế toán trưởng ghi rõ ngày tháng năm kiểm tra bảng, sau đó ký và ghi rõ họ tên xác nhận.
Tải mẫu bảng tính và phân bổ khấu hao tài sản cố định
Dưới đây, chúng tôi gửi các bạn tham khảo một số mẫu Bảng tính và phân bổ khấu hao TSCĐ mới nhất hiện nay.
Bảng tính và phân bổ khấu hao TSCĐ theo Thông tư 133
[download id=”4020″]
Bảng tính và phân bổ khấu hao TSCĐ theo Thông tư 200
[download id=”4019″]
Tài sản cố định là khái niệm chỉ tất cả những loại tư liệu sản xuất có giá trị lớn, được sử dụng xoay vòng lớn hơn 1 năm hoặc 1 chu kỳ trong công tác sản xuất kinh doanh.