Thờ cúng liệt sĩ vừa là trách nhiệm vừa là một nghĩa cử cao quý. Theo quy định tại Nghị định 31/2013/NĐ-CP, nội dung trong khoản 4 Điều 4 quy định, con của liệt sĩ là người có quyền thờ cúng liệt sĩ. Trong một số trường hợp liệt sĩ không có con, không còn con, có nhiều con thì việc thờ cúng liệt sĩ phải được ủy quyền. Khi ủy quyền thờ cúng liệt sĩ cần phải lập thành biên bản, gọi là Biên bản ủy quyền thờ cúng liệt sĩ. Vậy Biên bản ủy quyền thờ cúng liệt sĩ là gì? Cần hoàn thiện những nội dung nào trong mẫu biên bản này. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một số vấn đề liên quan đến loại văn bản ủy quyền này trong nội dung bài viết dưới đây.
[download id=”2926″]
Thế nào là Biên bản ủy quyền thờ cúng liệt sĩ?
Theo quy định của pháp luật hiện nay, người thờ cúng sẽ nhận được một khoản trợ cấp nhất định. Do đó, cần phải xác định rõ ai là người được quyền thờ cúng liệt sĩ. Pháp luật quy định như sau:
– Trường hợp 1: Người được quyền thờ cúng liệt sĩ là con của liệt sĩ.
+ Nếu liệt sĩ chỉ có một con duy nhất hoặc có nhiều con nhưng chỉ còn một con còn sống thì quyền thờ cúng liệt sĩ được giao cho người con duy nhất hoặc người con còn sống duy nhất đó.
+ Nếu liệt sĩ có nhiều con thì việc thờ cúng liệt sĩ được giao cho một người con trong số đó nhưng phải được những người con còn lại đồng ý lập biên bản ủy quyền.
– Trường hợp 2: Liệt sĩ không có con, không còn con hoặc con không có điều kiện thờ cúng thì một người đại diện trong gia đình, dòng tộc họ liệt sĩ sẽ được quyền thờ cúng liệt sĩ nhưng phải được sự thống nhất uỷ quyền bằng biên bản của đại diện gia đình, dòng tộc. Người này phải thuộc dòng tộc của liệt sĩ, có mối quan hệ họ hàng như anh, em, cô, dì, chú, bác, cháu… Khi đó, người được ủy quyền sẽ là người thờ cúng liệt sĩ hợp pháp và được nhận các khoản trợ cấp dành cho thân nhân liệt sĩ.
– Trường hợp3: Người thờ cúng liệt sĩ hợp pháp qua đời hoặc không muốn tiếp tục thờ cúng thì việc thờ cúng liệt sĩ giao cho người kế tiếp, việc thực hiện ủy quyền và người được ủy quyền phải thuộc đối tường quy định tại trường hợp 1 và trường hợp 2.
Biên bản ủy quyền thờ cúng liệt sĩ là một trong những giấy tờ quan trọng, không thể thiếu trong thủ tục hành chính nằm giải quyết chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ. Hồ sơ này bao gồm: Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, giấy ủy quyền do người thờ cúng liệt sĩ lập và gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.
Biên bản này phải nêu rõ được đối tượng được ủy quyền và đối tượng nhận uỷ quyền cũng như nội dung cụ thể của việc ủy quyền là gì.
Giấy ủy quyền thờ cúng liệt sĩ cùng với các giấy tờ khác trong bộ hồ sơ sẽ được Ủy ban nhân cấp xã giải quyết trong vòng 5 ngày, sau đó chuyển lên Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm kiểm tra, giải quyết trong vòng 10 ngày, sau đó gửi lên Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ giấy tờ hợp lệ, Sở có có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu hồ sơ gốc của liệt sĩ mà Sở đang quản lý và ra quyết định trợ cấp thờ cúng.
Trường hợp hồ sơ gốc của liệt sĩ do địa phương khác quản lý, không cùng với nơi người thờ cúng liệt sĩ đang cư trú thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phải có văn bản di chuyển hồ sơ gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ xem xét, đối chiếu, nếu chuẩn xác mới ra quyết định trợ cấp thờ cúng.
Nội dung cơ bản trong Biên bản ủy quyền thờ cúng liệt sĩ
Cũng như các mẫu giấy ủy quyền khác, biên bản ủy quyền thờ cúng liệt sĩ là biểu mẫu có nội dung khá đơn giản song không phải ai cũng nắm rõ cách trình bày cũng như những nội dung cần đề cập trong biên bản. Dưới đây, chúng tôi hướng dẫn các bạn những nội dung cơ bản cần có trong biểu mẫu này.
Phần đầu biên bản
– Ghi đầy đủ quốc hiệu, tiêu ngữ và tên biên bản .
– Ghi rõ ngày tháng năm và địa điểm lập biên bản ủy quyền.
Phần nội dung chính
– Thông tin cụ thể về bên thực hiện ủy quyền và bên nhận ủy quyền:
+ Bên ủy quyền: nếu có nhiều người tham gia ủy quyền thì nên lập thành bảng và ghi đủ các thông tin sau:
- Họ và tên người ủy quyền;
- Nơi cư trú: ghi rõ theo phân cấp thôn, xã, huyện, tỉnh;
- Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu ghi rõ: số, ngày cấp, nơi cấp;
- Ghi rõ mối quan hệ với người có công là gì? Con ruột, cháu ruột, người nuôi dưỡng từ nhỏ…
+ Bên dược ủy quyền, ghi đầy đủ các thông tin:
- Họ và tên người ủy quyền, ngày tháng năm sinh, giới tính;
- Trú quán: cũng ghi rõ theo phân cấp hành chính thôn, xã, huyện, tỉnh;
- Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu cần ghi rõ số, ngày cấp, nơi cấp;
– Nội dung ủy quyền: Ghi rõ nội dung ủy quyền cụ thể như ủy quyền thờ cúng liệt sĩ, ủy quyền nhận trợ cấp một lần đối với thân nhân liệt sĩ, ủy quyền nhận trợ cấp hàng tháng…
Trong trường hợp, người ủy quyền nhận trợ cấp hàng tháng cần phải ghi rõ trong biên bản thời hạn ủy quyền từ ngày tháng năm nào đến ngày háng năm nào nhưng không quá thời hạn từ 3 – 6 tháng tùy từng trường hợp theo hướng dẫn tại tại Điều 42, Thông tư 05/2013/TT-BLDTBXH Lao động – Thương binh và Xã hội.
Phần cuối
– Bên ủy quyền (bao gồm toàn bộ những người có tên trên phần thông tin bên ủy quyền) và bên nhận ủy quyền ký và ghi rõ họ tên vào biên bản. Sau khi biên bản hoàn tất thì nộp lên Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được ủy quyền cư trú.
– Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi kiểm tra thì ký xác nhận và đóng dấu lên biên bản.
Tải mẫu biên bản ủy quyền thờ cúng liệt sĩ
Dưới đây chúng tôi gửi các bạn tham khảo biểu mẫu biên bản ủy quyền thờ cúng liệt sĩ, các bạn có thể lưu [download id=”2926″]